Đối với mỗi cá nhân khi đi xin việc hoặc các doanh nghiệp khi đi gặp đối tác làm ăn thì Portfolio là một tài liệu quan trọng không thể thiếu. Vậy Portfolio là gì và nó có ý nghĩa như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của chúng tôi.
Portfolio là gì?
Portfolio có nguồn gốc từ tiếng Pháp, trong đó porte nghĩa là cầm/mang và folio là một trang sách/báo. Nói một cách chính xác và dễ hiểu nhất thì Portfolio có nghĩa là Hồ sơ năng lực. Tại đó, tất cả những thông tin về khả năng, trình độ, kinh nghiệm làm việc của một cá nhân/một tổ chức đều được thể hiện với sự sáng tạo theo phong cách riêng.
Trong kinh doanh, Portfolio được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Đặc biệt, với các sinh viên nghệ thuật (đồ họa, nhiếp ảnh,…) thì Portfolio là một phần không thể thiếu khi đi xin việc.
Sử dụng Portfolio để làm gì?
Mục đích chính của Portfolio chính là để phô bày năng lực của cá nhân, của tổ chức đến nhà tuyển dụng hoặc khách hàng.
Portfolio được tạo ra nhằm đem đến cho người đọc các thông tin về cá nhân hay tổ chức nào đó. Qua đó, cá nhân hoặc tổ chức có thể chứng tỏ cá tính, bản lĩnh và kĩ năng của mình. Đồng thời, Portfolio cũng thể hiện kiến thức, trình độ và kinh nghiệm làm việc của bạn, giúp nhà tuyển dụng hoặc khách hàng có cái nhìn rõ ràng và đánh giá chính xác hơn về bạn.
Tuy nhiên, để tạo được một portfolio độc đáo, gây được ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng ( hoặc khách hàng) thì đòi hỏi bạn phải có những kĩ năng nhất định. Để sở hữu một bộ Portfolio hiệu quả, bạn cần lựa chọn những kinh nghiệm và thành tích phù hợp nhất của mình. Sau đó, bạn hãy sắp đặt chúng một cách thật dễ hiểu và thu hút. Đừng để bộ Portfolio của bạn chỉ đơn thuần là một xấp hồ sơ. Hãy khiến nó trở nên thú vị nhằm thể hiện khả năng sáng tạo, khả năng tổ chức, truyền thông của bạn. Từ đó, làm tăng sự thuyết phục với nhà tuyển dụng (hoặc khách hàng) rằng: bạn chính là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí còn khuyết.
Những thông tin cần thiết cho một Portfolio hoàn chỉnh
Một bộ Portfolio được đánh giá là chuyên nghiệp và hoàn chỉnh khi nó bao gồm đầy đủ các phần sau:
Thông tin bảo hộ quyền sở hữu
Đừng bao giờ quên việc điền vào Portfolio của bạn một câu tuyên bố quyền sở hữu. Hãy ghi rõ đây là các tác phẩm của bạn, chúng hoàn toàn bảo mật và thuộc quyền sở hữu của bạn (một đơn vị bạn đã từng hợp tác) và không ai có quyền được sao chép.
Định hướng nghề nghiệp, triết lý công việc
Nêu lên định hướng nghề nghiệp, thể hiện quan điểm và cái nhìn của bạn về công việc hoặc ngành nghề mà bạn đang theo đuổi.
Mục tiêu nghề nghiệp
Hãy nêu rõ những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn trong công việc. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng hoặc khách hàng nhìn thấy được thái độ nghiêm túc và cầu thị của bạn.
Sơ yếu lý lịch
Bạn có thể đính kèm một bản sơ yếu lý lịch với đầy đủ những thông tin cần thiết theo quy định. Hoặc cũng có thể chèn một liên kết dẫn đến một hồ sơ trực tuyến của bạn.
Kỹ năng
Bạn có thể là một người đa tài, có rất nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, khong phải cái gì cũng đều phục vụ cho một ngành nghề, một lĩnh vực. Hãy xác định khoảng 3-5 kĩ năng chính, nhất là những kĩ năng cần thiết cho lĩnh vực bạn muốn theo đuổi. Có thể bổ sung những nhận xét, đánh giá của khách hàng, đối tác cũ hay cúa các giáo viên nhìn nhận về bạn.
Các chứng chỉ/bằng cấp/sản phẩm từng thực hiện
Tận dụng một cách khéo léo những thành tích bạn từng đạt được từ thời còn đi học, những sản phẩm bạn đã làm khi còn ở công ty cũ hoặc những dự án mà bạn từng cộng tác thành công với một đơn vị nào đó.
Đây là những cơ sở để nhà tuyển dụng hoặc khách hàng đánh giá và xác thực năng lực, thành tích của bạn. Đồng thời cũng sẽ góp phần quan trọng giúp bạn có thể deal được một mức lương cao hay một hợp đồng có giá trị hơn.
Một sự thật hiển nhiên là, công ty mà bạn từng cộng tác hay ngôi trường từng học càng có tiếng hay dự án càng hiệu quả thì giá trị của bạn sẽ càng được đánh giá cao trong mắt nhà tuyển dụng hoặc khách hàng.
Làm thế nào để thể hiện một Portfolio ấn tượng và hiệu quả?
Có hai hình thức rất phổ biến để thể hiện Portfolio là Portfolio bằng giấy và Portfolio trực tuyến.
Portfolio bằng giấy
Cách sắp xếp các mục trong Portfolio bằng giấy:
- Trang đầu tiên của Portfolio có thể là bản sao hồ sơ xin việc của bạn.
- Trang tiếp theo nên thể hiện một bảng nội dung tổng quan. Điều này sẽ giúp bạn và nhà tuyển dụng tiềm năng có thể tìm kiếm các hồ sơ xin việc một cách rõ ràng hơn.
- Tiếp đến, hãy tập hợp những công việc mà bạn đã trải qua, những kinh nghiệm mà bạn đã có.
- Phần tiếp theo nên thể hiện thông tin bảo hộ quyền sở hữu. Việc xác nhận rằng tất cả những sản phẩm bạn đưa ra đều do chính bạn thực hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết.
Các lưu ý khi thể hiện Portfolio bằng giấy
Để đảm bảo Portfolio của bạn đươc rõ ràng, dễ hiểu thì bạn nên nhóm các mẫu công việc của mình thành các loại hợp lý. Ví dụ: sắp xếp chúng theo các kỹ năng cụ thể được sử dụng, loại dự án hoặc dòng sản phẩm. Đồng thời, hãy giải thích từng mục là gì, vai trò tham gia của bạn và các kỹ năng bạn đã sử dụng.
Có thể sử dụng màu sắc để tăng sự hấp dẫn trực quan những vẫn phải đảm bảo sự tinh tế và tính thẩm mỹ. Đôi khi, nhà tuyển dụng hoặc khách hàng có thể yêu cầu bạn đưa ra một vài phần mẫu các công việc mà bạn đã làm để tăng tính khách quan.
Một số mục khác có thể đưa vào Portfolio
- Danh sách các kỹ năng của bạn phù hợp với từng công việc cụ thể
- Một bản Cover letter
- Những lá thư đề cử hoặc chứng nhận những bằng cấp liên quan
- Một thư cảm ơn
- Những bài viết về bạn nếu có.
- Những câu chuyện thể hiện kỹ năng của bạn
- Đồng thời, trong cuộc phỏng vấn, bạn hãy tìm kiếm cơ hội để trình bày Portfolio của mình một cách thật rõ ràng và linh hoạt.
Portfolio trực tuyến
Đây là một hình thức dễ dàng nhất để các nhà tuyển dụng hoặc khách hàng tiềm năng xem các mẫu công việc của bạn một cách nhanh nhất.
Có thể thực hiện Portfolio trực tuyến của bạn thông qua các kênh sau:
Portfolio dạng blog
Blog có thể là điểm xuất phát tuyệt vời, đặc biệt là khi nó chỉ được sử dụng cho mục đích trưng bày những trải nghiệm của bạn.Blog có xu hướng dễ dàng thiết lập và sử dụng. Và hầu hết đều cho phép bạn tổ chức nội dung của mình một cách dễ dàng. Tại đây, bạn cũng có thể nhúng hầu hết mọi thứ.
Đặc biệt, blog thường miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn đăng ký với các tính năng nâng cao khi có nhu cầu cần một danh mục đầu tư đơn giản.
Portfolio miễn phí hoặc dựa trên đăng ký
Dạng Portfolio này có xu hướng cho phép sử dụng nhiều loại tệp khác nhau và các tệp lớn hơn. Các tệp này được tải trực tiếp lên trang được lưu trữ tại đó. Thay vì trình bày bằng văn bản, tùy chọn Portfolio dạng này được hướng đến việc trình bày các yếu tố đồ họa. Đây là một ý tưởng rất hay cho những bạn đang làm các công việc liên quan đến thiết kế hoặc sáng tạo.
Portfolio tùy chỉnh
Dạng portfolio này cung cấp cho bạn quyền kiểm soát cách trình bày công việc của mình. Quy trình này có thể được đơn giản hóa thông qua các mẫu và công cụ miễn phí. Bạn chỉ cần đăng ký một tên miền và lưu trữ trang web ở đâu đó, các nhà tuyển dụng hoặc khách hàng đều có thể dễ dàng tìm thấy mẫu Portfolio của bạn.